THƯỚC LỖ BAN LÀ GÌ?
Click vào đây để tra cứu thước Lỗ Ban
Thước Lỗ Ban là thước được sử dụng để đo đạc trong xây dựng Dương Trạch (nhà cửa) và Âm Trạch (mộ phần),trên thước Lỗ Ban có chia kích thước thông thường ứng với các cung tốt, xấu tương ứng trong thước Lỗ Ban giúp người sử dụng biết kích thước đẹp (ứng vào cung đỏ) nên dùng khi nào, kích thước xấu (ứng vào cung đen) và tại sao phải tránh.
Thước Lỗ Ban là thước được lấy theo tên riêng "Lỗ Ban" người được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng của nước Lỗ sống vào thời Xuân Thu (770-476 Trước Công Nguyên). Tên ông là Ban, họ là Công Thâu (hay cũng được đọc là Công Du). Lỗ Ban còn có nghĩa là “ông Ban người nước Lỗ”.
Trên tất cả các loại Thước Lỗ Ban đều có nguyên lý giống nhau là: Thước được phân chia thành các Cung lớn (tốt hoặc xấu),trong mỗi Cung lớn này lại chia thành các cung nhỏ thể hiện chi tiết tốt hoặc xấu về việc gì. Màu đỏ trên thước Lỗ ban biểu thị cho các cung tốt nên dùng, màu đen biểu thị cho các cung xấu nên tránh.
Thước Lỗ Ban ngày nay được ứng dụng rộng rãi trong kiến trúc xây dựng và nội thất, là yếu tố được coi là một phần của khoa học phong thủy. Kích thước hợp phong thủy là vấn đề được quan tâm thứ 3 trong các vấn đề về phong thủy, chỉ sau hai yếu tố Nhất vị, Nhị Hướng.
CÁC LOẠI THƯỚC LỖ BAN
Có 3 loại Thước Lỗ Ban phổ biến:
- Thước Lỗ Ban 52cm: Dùng cho Dương Trạch đo thông thủy.[*] (Chiều dài chính xác của thước Lỗ Ban này là 520mm, được chia làm 8 cung lớn theo thứ tự từ trái sang phải: QUÝ NHÂN, HIỂM HỌA, THIÊN TAI, THIÊN TÀI, NHÂN LỘC, CÔ ĐỘC, THIÊN TẶC, TỂ TƯỚNG. Mỗi Cung lớn dài 65mm, mỗi Cung lớn lại được chia ra làm 5 Cung nhỏ, mỗi Cung nhỏ dài 13mm.)
- Thước Lỗ Ban 42,9cm: Dùng cho Dương Trạch đo khoảng đặc.[**] (Chiều dài chính xác của thước Lỗ Ban này là 429mm, được chia làm 8 cung lớn theo thứ tự từ trái sang phải: TÀI, BỆNH, LY, NGHĨA, QUAN, NẠN, HẠI, MẠNG, mỗi cung lớn dài 53,625mm. Mỗi cung lớn lại được chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13,4mm.)
- Thước Lỗ Ban 39cm: Dùng cho Âm Trạch & Đồ thờ, cúng. (Chiều dài chính xác của thước Lỗ ban này là 390 mm, được chia ra làm 10 cung lớn theo thứ tự từ trái sang phải: ĐINH, HẠI, VƯỢNG, KHỔ, NGHĨA, QUAN, TỬ, HƯNG, THẤT, TÀI, mỗi cung lớn dài 39mm. Mỗi cung lớn lại chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 9,75mm.)
Hiện tại thước lỗ ban 42,9cm và 39cm được tích hợp trên thước cuộn (rút) bằng sắt được bán rộng rãi trên thị trường, thước 52cm không sản xuất, chỉ có thể tra cứu trên phần mềm hoặc nhờ các thầy phong thủy tra cứu giúp.
CÁCH SỬ DỤNG THƯỚC LỖ BAN
Mỗi loại Thước Lỗ Ban được dùng để đo các phần khác nhau trong một công trình, Chủ đầu tư cũng như Kiến trúc sư cần nắm rõ ý nghĩa và cách sử dụng từng thước để có thể chọn được kích thước đẹp, hợp phong thủy và đúng mục đích mong muốn, để sử dụng trong quá trình thiết kế nhà và thi công xây dựng.
Nếu bạn không hiểu rõ cách sử dụng từng thước Lỗ Ban: bạn có thể sử dụng khẩu quyết "Đen bỏ, Đỏ dùng" để chọn những kích thước đỏ. Với sự kết hợp đồng thời của 2 loại thước trên cùng một thước (thước cuộn sắt) hay 3 loại thước trên cùng một thước (dùng phần mềm) thì khẩu quyết là "2 đen thì bỏ, 2 đỏ thì dùng", "3 đen thì bỏ, 3 đỏ thì dùng" (với các kích thước tra cung trên cả 3 thước rơi vào đen hoặc đỏ). Cách chọn kích thước kiểu chung chung này chỉ tương đối (không phải cung xấu hoặc ít xấu, vì có những cung đỏ nhưng cũng không nên dùng ở 1 số vị trí),vì ứng dụng sâu xa của Thước Lỗ Ban là có thể chọn kích thước phù hợp với đúng mục đích mong muốn của gia chủ.
Cách sử dụng thước lỗ ban đúng cánh:
- Thước Lỗ Ban 52cm: dùng để đo khối rỗng, các khoảng thông thủy hay còn gọi là “lọt sáng”, “lọt lòng”, “lọt gió” trong nhà như: ô cửa sổ, ô thoáng, cửa chính, cửa sổ, giếng trời…
- Thước Lỗ Ban 42,9cm: dùng để đo khối đặc, các chi tiết xây dựng cũng như đồ nội thất trong nhà như: kích thước phủ bì khối nhà, bệ, bếp, bậc, giường, tủ…
- Thước Lỗ Ban 39cm: dùng để đo phần âm trạch như: mộ phần, mồ mả, bàn thờ, tiểu quách…
Khi bạn mong muốn một điều gì tốt đẹp đó đến với mình và gia đình, bạn cần sử dụng các kích thước ứng với Cung có ý nghĩa đó.
Ví dụ về cách chọn cung khi sử dụng Thước Lỗ Ban:
- Mong muốn về đường con cái, sử dụng các Cung như Thêm Đinh, Quý tử hoặc các Cung nhỏ trong Cung lớn Đinh...
- Mong muốn về tiền tài sử dụng các Cung như Tài Lộc, Hưng Vượng...
- Mong muốn về đường Quan chức (làm trong môi trường Quan chức, Công danh, Khoa cử) sử dụng các Cung liên quan đến Cung Quan...như Thuận Khoa (thuận lợi đường công danh, học hành, thi cử) hay các Cung Hoành Tài, Phú Quý...
- Mong muốn về cuộc sống An lành, Hưng vượng thì sử dụng các cung như Lục hợp, Phú quý, Hưng vượng, Thêm phúc...
Thông thường người ta sẽ cân đối sử dụng nhiều Cung đẹp trong nhà và vào nhiều hạng mục và vị trí phù hợp. Các thành phần được chú ý nhiều nhất là Cửa chính ra vào, Bàn thờ...
Rất mong những chia sẻ hiểu biết của chúng tôi về Thước Lỗ Ban sẽ giúp bạn sử dụng Thước Lỗ Ban cũng như Phong Thủy một cách có ích.
Bài viết mang tính chất tham khảo cho gia chủ khi thiết kế thi công công trình.
Nguồn: sưu tầm từ Internet.